(DĐDN) – Bộ Công thương vừa có Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
Trong công văn, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giảm bớt thủ tục kiểm dịch động thực vật đối với nhập khẩu sản phẩm lông vũ, lông cáo, lông gấu (đã qua xử lý), không phải động thực vật hoang dã sống, nếu doanh nghiệpxuất trình được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu.
Bộ Công thương cũng đề nghị Tổng cục Hải quan lưu ý về chứng từ, thủ tục yêu cầudoanh nghiệp khi thông quan hàng hóa.
Theo Bộ Công thương, quy trình kiểm tra phải theo hướng thuận lợi hóa, thực hiện sau thông quan, trước khi lưu thông, thay cho hình thức kiểm tra từng lô hàng trước khi thông quan như hiện nay.
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp dệt may và Hiệp hội Dệt May Việt Nam phản ánh về việc cơ quan Hải quan địa phương yêu cầu doanh nghiệp giám định hàng hóa tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật trước khi giải phóng hàng đối với lông thú (đã qua xử lý) nhập khẩu làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ các nước tham gia Công ước CITES, có Giấy chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu…, Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đaọ cơ quan Hải quan địa phương chỉ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình đúng chứng từ phù hợp theo quy định hiện hành về xuất nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng yêu cầu không được yêu cầu doanh nghiệp giám định hàng hóa tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật trước khi giải phóng hàng đối với lông thú (đã qua xử lý) nhập khẩu làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ các nước tham gia công ước CITES, có giấy chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu…
Đồng quan điểm với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thủ tục kiểm dịch động thực vật đối với doanh nghiệp dệt may đã tạo ra gánh nặng lớn về chi phí, nhân công và thời gian của doanh nghiệp, và do vậy làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, tất cả các lô bông nhập khẩu phải kiểm dịch thực vật không phát hiện ra sâu bọ, côn trùng hoặc mầm bệnh gây hại. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bông sợi là một sản phẩm nông nghiệp nhưng đã qua quy trình chế biến công nghiệp. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần thay thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra với mặt hàng này, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp dựa trên đánh giá, phân tích về múc độ, quy mô rủi ro; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp đối với hàng hoá của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển sang hậu kiểm và minh bạch về chi phí theo hướng phí kiểm tra chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước thì nhà nước trả; phí kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải trả…
Vân Du